Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

Iran bắn 'một mũi tên trúng hai đích' với Mỹ

"Iraq hứng chịu đợt tập kích bằng 22 tên lửa vào khoảng thời gian từ 1h45 đến 2h45 sáng nay. 17 quả nhằm vào căn cứ không quân Ain al-Asad gần thủ đô Baghdad, trong đó hai quả đạn không phát nổ. 5 tên lửa khác rơi xuống sở chỉ huy liên quân tại thành phố Irbil", Bộ Quốc phòng Iraq hôm 8/1 ra thông cáo cho biết.

Cuộc tấn công rạng sáng 8/1 là động thái leo thang rất đáng kể với chính Iran. Nước này chưa bao giờ trực tiếp phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hàng trăm kg vào các vị trí của Mỹ tại Iraq, mà chỉ sử dụng các lực lượng ủy nhiệm sử dụng đạn cối, pháo phản lực (rocket) tập kích căn cứ, đại sứ quán Mỹ trong khu vực.

Tên lửa đạo đạo sáng rực bầu trời Iran
 
 
Tên lửa đạo đạo sáng rực bầu trời Iran

Tên lửa Iran phóng tới căn cứ Mỹ tại Iraq rạng sáng 8/1. Video: Fars News .

IRGC đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 và Qiam-1 trong đợt tấn công. Đây là hai mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn chủ lực trong biên chế IRGC, từng nhiều lần tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Syria. Chúng có thể đánh chính xác mục tiêu trong bán kính 3-10 m từ khoảng cách 300 km Công ty dịch thuật Đồng Nai với Fateh-110 hoặc 800 km với Qiam-1.

Tuy nhiên, sau khi 22 tên lửa trút xuống hai căn cứ, cả Iraq và Mỹ đều xác nhận không có binh sĩ nào của họ thương vong trong đòn tấn công, dù các tên lửa đạn đạo Iran đều mang đầu nổ có sát thương lớn.

"Kết quả đòn tấn công dường như cho thấy tên lửa Iran bắn trượt toàn bộ mục tiêu. Tuy nhiên, họ từng được cho là sử dụng tên lửa hành trình tập kích nhà máy lọc dầu của Arab Saudi với độ chính xác rất cao. Có gì đó không bình thường ở đây", tài khoản Covrosvski viết trên mạng xã hội Twitter.

Jeremy Binnie, biên tập viên về Trung Đông và châu Phi tại tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly, cho rằng việc Iran lựa chọn tên lửa đạn đạo Qiam để tấn công cũng là dấu hiệu đáng chú ý. Tên lửa này có quỹ đạo bắn cao, dễ bị radar phát hiện, giúp các binh sĩ Mỹ có vài phút cảnh báo trước khi chúng lao xuống mục tiêu.

"Đòn tập kích nhà máy dầu Arab Saudi năm ngoái dùng tên lửa hành trình và UAV, vốn rất khó phát hiện bằng radar, còn lần này Iran dùng tên lửa đạn đạo", Binnie nói. "Đó có thể là động thái cố tình của Iran để giảm thiểu thiệt hại, bởi họ biết rõ quỹ đạo bay của nó sẽ được radar phát hiện và dự đoán dễ dàng hơn".

Điều này khiến giới chuyên gia cho rằng đòn tập kích của Iran phục vụ mục đích chính trị nhiều hơn là quân sự , khi Tehran dường như tránh bắn vào những vị trí có nhiều lính Mỹ để gửi thông điệp cứng rắn tới Washington mà không dẫn tới chiến tranh.

Giới quan sát từng dự đoán Iran sẽ báo thù cho cái chết của tướng Qassem Soleimani bằng cách tấn công mục tiêu lớn như Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad của Iraq, nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não về quân sự và ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, Tehran lại chọn hai cơ sở quân sự của chính phủ Iraq, nơi chỉ có một phần lực lượng Mỹ đồn trú.

Ain al-Asad từng là căn cứ lớn thứ hai của Mỹ trong chiến dịch quân sự giai đoạn 2003-2011, nhưng hiện nhiều khả năng chỉ còn một nhóm nhỏ đặc nhiệm Mỹ được bố trí tại đây. Trong khi đó, sân bay Irbil nằm tại thủ phủ vùng tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq, cách rất xa thủ đô Baghdad.

Nic Robertson, biên tập viên đối ngoại quốc tế của CNN , cho rằng cách Iran lựa chọn mục tiêu cho đòn tập kích tên lửa lần này rất đáng chú ý. "Nếu muốn sát hại thật nhiều lính Mỹ ở Iraq, họ có nhiều căn cứ dễ dàng tấn công hơn, trong khi căn cứ al-Asad rất rộng và vắng vẻ", Robertson nói. "Tên lửa tấn công vào đó có thể lao xuống nhiều khoảng đất trống, cách xa hầm ngầm nơi các binh sĩ trú ẩn và sẽ gây ra nguy cơ thương vong dân thường ngoài dự tính rất thấp".

Tên lửa đạn đạo Iran rời bệ phóng rạng sáng 8/1. Ảnh: Fars News.

Tên lửa đạn đạo Iran rời bệ phóng rạng sáng 8/1. Ảnh: Fars News .

Iran đã báo trước cho chính phủ Iraq về đòn tấn công, cảnh báo các sĩ quan quân đội của họ tránh xa căn cứ Mỹ, trong khi các quan chức Lầu Năm Góc cũng cho biết lính Mỹ đã có thời gian xuống hầm trú ẩn trước khi tên lửa lao xuống.

"Tehran đã bắn một mũi tên trúng hai đích", Robertson nhận định. "Họ gây ấn tượng với dư luận trong nước là đã tung ra một đòn đánh dữ dội, nhưng thực tế lại không gây ra nguy cơ làm leo thang căng thẳng với Mỹ".

Bình luận viên này cho rằng đây là tính toán rất khôn ngoan của Iran và nó đã phát huy hiệu quả, khi cả Tehran và Washington đều có những động thái xuống thang sau vụ tấn công, phần nào tháo gỡ một ngòi nổ chiến tranh nguy hiểm.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định nước này không muốn chiến tranh và vụ phóng tên lửa chỉ nhằm thực hiện "quyền tự vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc". Ông nhấn mạnh Tehran đã "hoàn thành" cuộc tấn công và "không tìm kiếm sự leo thang hay chiến tranh, nhưng sẽ tự bảo vệ mình trước mọi cuộc xâm lược".

Trong tuyên bố chính thức ở Nhà Trắng ngày 8/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận không có binh sĩ Mỹ thương vong và hai căn cứ chỉ chịu "thiệt hại tối thiểu" sau đòn tấn công. Trump khẳng định sẵn sàng "chìa cành oliu" với Iran và hy vọng lãnh đạo nước này hướng tới con đường thịnh vượng và hòa hợp với các quốc gia trên thế giới.

Vị trí căn cứ không quân al-Asad và Irbil ở Iraq. Đồ họa: NYTimes.

Vị trí căn cứ không quân al-Asad và Irbil ở Iraq. Đồ họa: NYTimes .

Nghị sĩ Mỹ Michael Waltz, cựu sĩ quan đặc nhiệm lục quân, nói trên kênh truyền hình Fox News rằng nếu tên lửa Iran chỉ gây thiệt hại tối thiểu cho cơ sở hạ tầng trong hai căn cứ, đó có thể là dấu hiệu cho thấy Tehran chỉ tung đòn đáp trả "chiếu lệ" với Washington để giải tỏa dư luận sục sôi ở trong nước sau cái chết của Soleimani, nhưng cũng để ngỏ khả năng giảm căng thẳng trong tương lai.

Đại tá về hưu Stephen Ganyard, chuyên gia phân tích quân sự của ABC News , cho rằng nếu đòn không kích của Iran gây thiệt hại nặng cho cơ sở hạ tầng hoặc làm người Mỹ thương vong, họ sẽ phải đối mặt với đòn trả đũa mạnh tay từ Mỹ. "Nhưng nếu tên lửa Iran không gây tổn hại đáng kể cho lực lượng quân sự Mỹ đồn trú ở hai căn cứ, hai bên có thể xuống thang", ông nói.

Vũ Anh (Theo Daily Beast )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét